Toàn cảnh hội nghị |
Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh, hiện nay các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam có công nghệ cận tới hạn, sắp tới nếu xây dựng thì phải xây dựng công nghệ tiên tiến hơn, siêu tới hạn hoặc trên siêu tới hạn để giảm phát thải.
Để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo.
Mục tiêu Quy hoạch điện VII vào năm 2020 Việt Nam đạt 265 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt 572 tỷ kWh. Với nhu cầu điện tăng cao, ngoài việc phát triển nhiệt điện than thì cần nâng công suất của các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng: “Cái chính hiện nay là chúng ta phải làm thế nào để đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo lên cao mới có thể hạn chế được bớt nhiệt điện than".
Tại hội thảo, các chuyên gia về năng lượng tái tạo đã có những bài tham luận và ý kiến đóng góp quý báu về việc phát triển năng lượng tái tạo - năng lượng bền vững tại Việt Nam dưới góc độ công nghệ, đưa ra nhiều ý kiến xác đáng cũng như thời cơ trong đầu tư công nghệ tiên tiến về điện gió, điện mặt trời
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID - cho biết: Hiện nay các quốc gia trên thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành năng lượng với xu hướng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng công suất năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Bà Khanh cho rằng, nếu như có quy hoạch thật chính xác thì việc sử dụng năng lượng tái tạo sản xuất điện sẽ đem lại nhiều lợi ích, ví dụ trên cùng một diện tích đất, chúng ta có thể tận dụng phía trên lắp pin mặt trời để sản xuất ra điện, còn phía dưới có thể trồng trọt, hoặc sử dụng các vùng đất hoang hóa để sản xuất ra điện từ năng lượng mặt trời.
Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng tại chỗ, nên chúng ta sẽ không phải phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và như vậy, nhìn chung giá điện sẽ phụ thuộc vào nguồn cung và nguồn cung ở bên ngoài sẽ khó có thể kiểm soát. Việc đầu tư năng lượng tái tạo sẽ đảm bảo được nguồn cung tại chỗ, đảm bảo cho phát triển an ninh năng lượng quốc gia.
Để có thể phát triển được năng lượng tái tạo, theo bà Khanh, hiện nay vẫn còn có nhiều rào cản về chính sách, cơ chế, nhân lực, tài chính nhưng nếu chúng ta đặt lợi ích của các thế hệ tiếp theo và môi trường sống lên hàng đầu thì chúng ta có thể làm được.