Năm 2017, Costa Rica tiếp tục dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, theo xếp hạng của Happy Planet Index, và là năm thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục về số ngày chỉ sử dụng năng lượng sạch.
Theo thống kê công bố ngày 26/2 của Trung tâm kiểm soát năng lượng quốc gia Costa Rica (CNCE), trong năm ngoài, đất nước mang tên “bờ biển giàu đẹp” này đã đạt tròn 300 ngày chỉ sử dụng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, vượt hơn mức 299 ngày và 271 ngày tương ứng của 2 năm 2016 và 2015.
Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Costa Rica trong năm ngoái đã đáp ứng 99,62%, gần như tuyệt đối, nhu cầu điện tiêu thụ trong năm của quốc gia có 4,8 triệu dân này.
Trong số này, thủy điện tiếp tục là nguồn năng lượng chủ chốt khi cung cấp 78,26% lượng điện tiêu thụ, tiếp tới là điện gió với 10,29% và địa nhiệt với 10,23%; trong khi điện Mặt Trời và sinh khối đóng góp 0,84%.
Riêng nguồn điện gió hay phong điện của Costa Rica cũng đạt sản lượng kỷ lục trong năm 2017 với 1.015 gigawatt giờ.
Đáng chú ý là quốc gia Trung Mỹ này mới chỉ có công viên phong điện đầu tiên vào năm 1996, tới nay đã nhân rộng lên 16 công viên và vẫn tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, điện Mặt Trời là nguồn năng lượng tiềm năng của đất nước nhiệt đới này nhưng chưa được khai thác mạnh mẽ do giá thành cao.
Chính phủ Costa Rica đã đề ra mục tiêu tới năm 2021 trở thành một quốc gia không phát thải CO2 công nghiệp.
Kế hoạch năng lượng sạch đầy tham vọng này bao gồm cả ngành giao thông: hiện đã có 2 dự luật được đệ trình Quốc hội Costa Rica xem xét hướng tới miễn thuế nhập khẩu xe ôtô điện, tạo ra một mạng lưới toàn quốc các điểm sạc điện cho loại hình xe hơi này và bắt buộc điện hóa một phần hệ thống phương tiện vận tải công cộng.
Costa Rica cũng là nước đầu tiên trên thế giới ký kết thỏa thuận với một hãng hàng không (KLM của Hà Lan) về giảm thiểu phát thải CO2 trong hàng không dân dụng.