Sử dụng năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí là cơ hội đánh thức tiềm năng, tiến tới phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Hiệu quả sử dụng năng lượng - tiềm năng cần khai thác
Hiện nay, trong sản xuất công nghiệp ở nước ta, tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn và hiệu quả sử dụng năng lượng còn thấp. Theo Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam, trong khâu sản xuất năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%).
Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả càng trầm trọng. Để sản xuất ra cùng một sản phẩm, ngành công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, các ngành công nghiệp hiện đang sử dụng đến 47% tổng năng lượng.
Tiêu thụ năng lượng theo ngành năm 2015, Nguồn: Thống kê Năng lượng Việt Nam năm 2015
Việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả và lãng phí chính là tiềm năng tiết kiệm năng lượng cần được quan tâm, khai thác hiện nay. Theo nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, phát điện than là 25%, ngành dệt/may mặc là 30%, công nghiệp thép là 20%, chế biến thực phẩm là 20%...
Việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các ngành công nghiệp tiêu thụ 47% tổng sản lượng năng lượng, Nguồn: GIZ Việt Nam
Đánh thức tiềm năng
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn liền với mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Vì vậy cần sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của cả Chính phủ và các doanh nghiệp, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn”.
Về phía Chính phủ cần giám sát chặt chẽ việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp. Bước đầu khuyến khích sau đó bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành sử dụng nhiều năng lượng. Đồng thời, có cơ chế vay vốn linh hoạt, đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới máy móc, cải tiến công nghệ bởi vấn đề cốt lõi của tiết kiệm năng lượng là lựa chọn công nghệ, máy móc và hệ thống truyền tải.