Toàn cảnh hội thảo "BOT - Từ góc nhìn đa chiều"
Theo phân tích của TS Đinh Thế Hiển, BOT (đầu tư – vận hành – chuyển giao) là một trong những mô hình kết hợp công – tư (PPP) phổ biến. BOT cần cho các nền kinh tế đang phát triển gặp khó khăn về ngân sách nhưng có nhu cầu tăng tốc về đầu tư hạ tầng.
Nguyên tắc cơ bản của BOT là tính toán phần thu phí hợp lý, đủ có lợi cho nhà đầu tư và cũng không quá tạo gánh nặng cho người dân – với tư cách là người được thụ hưởng, sử dụng dịch vụ.
Hình thức đầu tư BOT đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, qua hơn 20 năm triển khai, tính đến tháng 5/2018 Việt Nam đã có 68 dự án giao thông đường bộ được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 208.000 tỷ đồng. Rất nhiều dự án sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước cũng như người dân.
Ông Lại Xuân Môn - Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng: "Đường cao tốc là giấc mơ, là niềm ao ước của tỉnh Cao Bằng!"
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lại Xuân Môn, Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, mặc dù địa phương có có 8 lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng lại có 3 điểm nghẽn, trong đó có có “điểm nghẽn” về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là thiếu đường cao tốc.
Với một địa phương còn nhiều khó khăn về thu ngân sách, nếu không có một cơ chế đầu tư thông thoáng, linh hoạt thì “giấc mơ đường cao tốc”, với tổng mức đầu tư lên tới vài tỷ USD, sẽ rất khó trở thành hiện thực. “Đường cao tốc là nguyện vọng, khát khao của địa phương. Giải quyết được đường cao tốc giải quyết được 5 vấn đề: Chính trị; kinh tế; xã hội; củng cố quốc phòng an ninh; hợp tác quốc tế và đối ngoại”, ông Môn cho biết.
Mặc dù chứng tỏ được những tác động đích cực, nhưng ở chiều ngược lại, trong thực tế cũng có những dự án BOT giao thông được thực hiện trên đường độc đạo; có dự án chỉ sửa mặt đường rồi xây dựng trạm thu phí gây bức xúc trong nhân dân.
Những hình ảnh tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang) khiến cho người dân có những suy nghĩ tiêu cực về BOT
Bên cạnh đó, cũng có một số sự hiểu lầm gây ảnh hưởng đến “uy tín” của các dự án BOT – ví dụ như tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà dư luận đang “nóng” với những hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều người lầm tưởng đó là dự án BOT (vì cũng có thu phí). Nhưng thực ra, đó là dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách, do một doanh nghiệp Nhà nước (Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam - VEC) thực hiện.
Ngay cả những tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương hay TP.HCM – Dầu Giây cũng không phải là các dự án BOT.
Theo ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng GTVT, chúng ta triển khai các dự án trong khi chưa có luật. Đến 2015 mới có nghị định hướng dẫn. Khi triển khai thì các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chưa có kinh nghiệm nên nắm bắt chưa hết vấn đề, có thể dẫn tới những mâu thuẫn, xung đột trong thực tiễn, đồng thuận trong xã hội không cao…
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ BTVT phát biểu tại hội thảo
Từ 2016, sau khi tổng kết về mô hình BOT, ngành GTVT đã quyết định dừng 13 dự án, tiến hành kiểm toán lại để tính thời gian thu phí, rà soát lại toàn bộ các dự án BOT và giảm phí; đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng để tìm sự đồng thuận cao nhất…
Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong các dự án BOT là năng lực của nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Danh Huy – Vụ trưởng Vụ đối tác công tư Bộ GTVT, năng lực của nhà đầu tư chủ yếu là tài chính và kinh nghiệm – về cơ bản các chủ đầu tư đều đủ năng lực. Tuy nhiên, do một số quy định pháp luật chưa thật chặt chẽ và phù hợp, nên trong quá trình triển khai bộc lộ những yếu kém. Một bất cập nữa, đó là các nhà đầu tư đều phải vay tiền ở ngân hàng thương mại với lãi suất 10,5-10,8%. Trong khi đó, cơ quan quản lý chỉ chấp nhận lãi suất 7,7%/năm – tức các nhà đầu tư luôn phải tìm cách “bù” khoảng 3% lãi suất. Điều này cũng ảnh hưởng không ít tới chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Dân nguyện, cho rằng: với BOT, cái cần nhất là tính công bằng. Trong đó, cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 thành tố: Nhà đầu tư, người dân - với tư cách là người sử dụng dịch vụ, và Nhà nước.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (giữa) trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo
Về phía truyền thông, TS Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong thời gian qua báo chí và truyền thông nói chung đã tuyên truyền, giới thiệu nhiều dự án BOTcủa nhà nước, góp phần phản ánh những bất cập, bức xúc để cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh.