Điện năng đang ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam.
Thách thức này ảnh hưởng đến sự phát triển chung, đòi hỏi chúng ta cần có những bước đi chiến lược. Đặc biệt là lĩnh vực năng lượng với những thông tin đáng chú ý dưới đây.
Nhu cầu năng lượng tăng mạnh
Theo Dự thảo báo cáo Quy hoạch phát triển năng lượng Quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035 do Viện Năng lượng, Bộ Công Thương đang thực hiện, dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015. Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) được dự báo sẽ gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035.
Năm 2000, các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm sinh khối, thủy điện chiếm 53% tổng cung năng lượng sơ cấp. Tuy nhiên đến 2015, con số này đã giảm xuống còn 24%. Trong cùng giai đoạn đó, tỷ trọng của than trong tổng nguồn cung đã tăng từ 15% lên 35%. Xu hướng này dự kiến còn tiếp diễn trong tương lai do nguồn cung năng lượng từ thủy điện, sinh khối trong nước không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng. Các nhà máy điện đóng vai trò chủ yếu trong tiêu thụ than, sau đó là đến các ngành xi măng, phân bón, hóa chất và các hộ tiêu thụ khác. Tổng tiêu thụ than trong nước năm 2015 khoảng 43,8 triệu tấn. Trong đó các nhà máy điện chiếm 23,5 triệu tấn và tiêu thụ than cuối cùng 20,3 triệu tấn (công nghiệp chiếm tới 87% tiêu thụ than cuối cùng).
Thách thức về bảo vệ môi trường
Thách thức về các tác động môi trường của hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh. Đi kèm với đó là sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng của các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
Trong giai đoạn 2011-2015, sản lượng điện tiêu thụ của toàn quốc đã tăng trưởng với tốc độ bình quân là 10,6%/năm, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13,4%/năm. Điện năng đang ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Đồng thời nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng bình quân gần 8% mỗi năm cho đến năm 2035, tương ứng với nhu cầu công suất sản xuất điện tăng thêm 93 GW trong cùng giai đoạn. Khoảng gần một nửa công suất nguồn điện mới này sẽ được cung cấp từ nhiệt điện than và khoảng 25% là từ năng lượng tái tạo.
Sử dụng năng lượng hiệu quả
Việt Nam hiện là nền kinh tế có cường độ tiêu thụ năng lượng cao trong khu vực và trên thế giới. Một số nghiên cứu trong ngành công nghiệp và xây dựng cho thấy tiềm năng lớn có tính khả thi về tài chính trong việc giảm cường độ tiêu thụ năng lượng bằng cách cải tiến công nghệ và áp dụng các giải pháp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. Đến năm 2030, tiềm năng sử dụng năng lượng hiệu quả chưa được khai thác dự kiến khoảng 8,1%. Các chi phí giảm phát thải khí nhà kính nhờ tiết kiệm năng lượng thấp hơn nhiều so với lợi ích do việc tiết kiệm năng lượng đem lại. Do đó các phương án sử dụng năng lượng hiệu quả cùng với các cơ hội thay thế nhiên liệu có thể đem lại lợi ích kinh tế. Đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện an ninh năng lượng quốc gia.
Các nghiên cứu đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả, nhưng các nghiên cứu này chỉ tập trung vào một số ngành. Tiềm năng tiết kiệm điện được xác định ở mức 17% vào năm 2030. Để có thể khai thác tiềm năng này, Việt Nam cần củng cố khung chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả.