(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Cơ hội hồi sinh của lĩnh vực năng lượng hạt nhân

Thứ năm - 21/10/2021 15:03 - Đã xem: 2374
Khi đại dịch COVID-19 đang phát đi dấu hiệu lắng dịu, kinh tế thế giới lại đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến các yếu tố như lạm phát giá khí đốt, giá điện và hiện tượng Trái Đất nóng dần lên.
 

Các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Cruas-Meysse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này đã khiến các chính trị gia và giới đầu tư, đặc biệt là tại Trung Quốc, một lần nữa đặt hy vọng vào năng lượng nguyên tử, mặc dù các nền tảng tài chính và công nghệ trong lĩnh vực này vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. 

Theo nhận xét của nhật báo Le Monde số ra gần đây, có vẻ như "mùa Xuân" đang đến với lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Le Monde cho rằng bối cảnh hiện nay khiến thế giới như bị đẩy lùi lại giai đoạn của 20 năm về trước, khi Anne Lauvergeon, một người ưa mạo hiểm và cũng là bà chủ tập đoàn đa quốc gia Pháp chuyên về năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo Areva, tuyên bố về sự "phục hưng" của năng lượng hạt nhân và hứa hẹn bán lò EPR (lò phản ứng áp lực của châu Âu, hay còn gọi là lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3) cho hàng chục khách hàng. 

Phải thừa nhận rằng triển vọng của nguồn năng lượng này có thể không còn rực rỡ như xưa, nhưng hiện tại giới doanh nghiệp và lãnh đạo nhiều nước đang đặt niềm tin vào lĩnh vực này, trái ngược hẳn với những đánh giá trước đây.

Thời gian gần đây, trong các cuộc tranh luận công khai về năng lượng hạt nhân, các thuật ngữ như "ngành công nghiệp chiến lược", "chủ quyền năng lượng" và "an ninh nguồn cung cấp" đã được sử dụng để thay thế các cụm từ như "sự thất bại" hay "sự thất vọng" . 

Tháng Bảy vừa qua khi đến thăm Polynesia, Tổng thống Emmanuel Macron tuy rất thận trọng về chủ đề này nhưng đã đề cao năng lượng hạt nhân như một "cơ hội" thực sự cho nước Pháp. Chỉ một vài tuần sau đó, người ta đã nhận thấy chi nhánh hạt nhân của tập đoàn Mỹ General Electric đã có thể trở lại dưới mái nhà nước Pháp khi Tập đoàn Điện lực Quốc gia Pháp (EDF) sẵn sàng đàm phán để mua lại.

Việc Pháp cố gắng đấu tranh để Brussels đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách các khoản đầu tư xanh của châu Âu đang giúp khép lại các chỉ trích xung quanh ngành công nghiệp hạt nhân của nước này. Điều chắc chắn là giữa phe ủng hộ và phe phản đối sẽ có các cuộc tranh luận hết sức nảy lửa về đề tài này trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Phải nói rằng trong 5 năm trở lại đây, tình hình đã được cải thiện đáng kể đối với lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đây dường như là xu hướng tất yếu, bởi sự gia tăng không thể tránh khỏi của nhiệt độ toàn cầu và ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nếu không có năng lượng hạt nhân, thế giới sẽ không thể đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất đến năm 2050 không tăng thêm 1,5°C. 

Theo Marc-Antoine Eyl-Mazzega, Giám đốc trung tâm năng lượng và khí hậu của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), không chỉ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hay Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), mà tất cả các tổ chức quốc tế đều thống nhất cho rằng để giảm phát thải khí nhà kính, thế giới cần điện khí hóa các hoạt động đời sống và do vậy cần phải tăng cường tất cả các nguồn sản xuất điện không thải ra carbon, trong đó có điện hạt nhân.

Ngay cả các nhà đầu tư, những người đã từ bỏ lĩnh vực điện hạt nhân bắt đầu lấy lại niềm tin. Trong những năm gần đây, họ đã đầu tư rất nhiều vào các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR), được xem là tương lai của năng lượng hạt nhân. Trong số đó, người sáng lập hãng Microsoft, Bill Gates, thậm chí đã tự khẳng định mình là một trong những người bảo vệ nguyên tử nhiệt thành nhất.

Theo nhận xét của Pierre-Louis Brenac, chuyên gia tư vấn năng lượng tại Sia Partners, về cơ bản, các quan điểm không còn phản đối năng lượng hạt nhân hay so sánh lĩnh vực này với năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, mà giờ đây họ quan tâm nhiều hơn đến việc biến năng lượng hạt nhân trở thành nguồn bổ sung có thể kiểm soát được, cần thiết cho việc triển khai năng lượng tái tạo.

Một khía cạnh khác hiện đang đặt ra khiến năng lượng hạt nhân lên ngôi, đó là cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay. Theo Jacques Percebois, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng (Creden), do chịu tác động bởi giá năng lượng tăng vọt, nhiều quốc gia đang dần hiểu rằng trong tương lai, việc gia tăng nhu cầu điện sẽ trở thành vấn đề, cả về phương diện ổn định giá cả và an ninh năng lượng.

Trung Quốc, quốc gia vừa chịu tác động bởi tình trạng mất điện trên diện rộng, không phải là nước duy nhất bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về nguồn cung này. Một số nước Đông Âu hết sức may mắn đã tránh được tình trạng mất điện trong năm ngoái. Tuy nhiên, đối với các quốc gia này, việc từ bỏ than đá đã làm họ trở nên quá phụ thuộc vào khí đốt. 

Đây là lý do tại sao nhiều nước như Ba Lan hiện đang chuyển sang năng lượng hạt nhân. Giám đốc điều hành hạt nhân mới của EDF Xavier Ursat đã đưa ra giải thích này và ông hy vọng các quốc gia nói trên sẽ là khách hàng tiềm năng của EDF.

* Các vấn đề về chi phí bổ sung, quản lý sự cố

Như vậy, liệu thế giới có sắp chứng kiến một "mùa Xuân" hạt nhân mới? Điều này có vẻ như đúng. Marco Baroni, chuyên gia tư vấn tại tập đoàn điện lực của Italy Enel, giải thích: “Trái với suy nghĩ của nhiều người, chưa hề có việc dừng hoạt động hạt nhân kể từ năm 2011, mà thay vào đó là sự dịch chuyển trọng tâm về châu Á”. Trong số 59 lò phản ứng bắt đầu xây dựng từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân, có đến 28 lò phản ứng là của Trung Quốc.

Công nhân tham gia phá dỡ Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima ở Okuma, Fukushima ngày 13/2/2019. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hiện tại tuy chưa có con số chính thức để chứng minh khả năng phục hồi của ngành hạt nhân, nhưng năm ngoái, số nhà máy đóng cửa gần như bằng số nhà máy được đưa vào hoạt động. Nhìn chung, kể từ cuối những năm 2000, tỷ trọng điện hạt nhân trong sản xuất điện vẫn giữ ở mức khoảng 10%.

"Trên thực tế, ngày nay, câu hỏi đặt ra không phải là liệu có xảy ra một sự cố hạt nhân ở cấp độ toàn cầu hay không, mà là liệu có thể đảm bảo rằng thế giới sẽ thành công trong việc duy trì các năng lực hiện có, đặc biệt là các cơ sở nguyên tử cũ hay không", chuyên gia Marc Antoine Eyl-Mazzega của IFRI nhấn mạnh.

Nguyên nhân là do bị vướng vào các vấn đề về chi phí bổ sung và quản lý địa điểm liên quan đến sự cố, tương lai của các nhà máy điện hạt nhân này dường như đã bị tê liệt. Giữa sự gia tăng các tiêu chuẩn an toàn hậu Fukushima và sự đội giá, cũng như kéo dài thời gian xây dựng lò EPR (các trường hợp dự án Flamanville, OL3), năng lượng hạt nhân đã trở nên quá đắt đối với tài chính công, đến mức khó được xã hội chấp nhận.

Ví dụ tại Vương quốc Anh, chính phủ đã bị cáo buộc mua điện quá đắt từ dự án điện hạt nhân Hinkley Point. Một ví dụ khác ở Pháp, nơi EDF hy vọng sẽ xây dựng 6 lò EPR2 (về mặt lý thuyết là rẻ hơn EPR), các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra gay gắt về việc đến năm 2050 liệu kịch bản 100% năng lượng tái tạo sẽ khả thi và liệu giá có rẻ hơn cho người đóng thuế. 

Các dự báo về định lượng sẽ sớm được cung cấp, nhưng các chuyên gia về nguyên tử có vẻ tự tin. Stéphane Sarrade, Giám đốc chương trình năng lượng carbon thấp tại Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng thay thế (CEA), cho biết: "Các công nghệ lưu trữ chưa đủ điều kiện để hiện thực hóa kịch bản 100% năng lượng tái tạo nếu không có năng lượng hạt nhân". Trong khi đó, chuyên gia Marco Baroni bổ sung thêm "hầu hết các số liệu so sánh hiện đang được lưu hành chỉ có tính vận động hành lang thuần túy, thiếu chính xác, vì chi phí của các hệ thống điện giữa các mạng không giống nhau".

Hiện nay, lạm phát giá hạt nhân giải thích cho các cuộc tranh luận dữ dội giữa Pháp và Đức xung quanh tiêu chuẩn phân loại châu Âu về xác định danh mục các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sớm quyết định danh sách các khoản đầu tư mà các hoạt động bền vững được hưởng lợi. Nếu EC từ chối đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách này, các nước phát triển điện hạt nhân sẽ gặp khó khăn trong việc huy động tài chính.

"Nguy cơ này sẽ làm cho giá điện hạt nhân của Pháp hoặc châu Âu cao hơn trong khi các thị trường khác như Nga, Trung Quốc hoặc Mỹ, do không chịu sự phân loại của châu Âu, có thể sẽ dễ dàng tìm được nguồn tài trợ hơn", Giám đốc Xavier Ursat cảnh báo và bổ sung thêm: "Đó sẽ là một thảm họa, đối với khí hậu và chủ quyền của châu Âu".

* Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua

Trong khi châu Âu vẫn đang lo ngại về những quan niệm khác nhau liên quan đến đặc tính "xanh" của điện hạt nhân, thì phần còn lại của thế giới đang tìm cách viết nên tương lai của mình. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh nghiên cứu các lò phản ứng thế hệ thứ tư, được cho là sẽ khép kín chu trình nhiên liệu và giảm đáng kể lượng chất thải sinh ra.

Vào cuối tháng Chín, họ thông báo vừa hoàn thành việc xây dựng "lò phản ứng sạch đầu tiên trên thế giới", với dự kiến thương mại hóa vào năm 2030. Hơn nữa, để giải quyết những vấn đề về giá, ngành công nghiệp này đang phát triển trong những năm gần đây các SMR có công suất từ 30-350 MW. Các lò này có công suất thấp hơn nhiều so với EPR (1000-1700 MW), được dễ quản lý hơn, dễ lắp đặt hơn và giá thành rẻ hơn. Bằng chứng về sự quan tâm của khách hành đối với loại hình này là 72 dự án thế hệ thứ ba hoặc thứ tư hiện đang được thực hiện trên khắp thế giới. Trong đó có một dự án ở Pháp (Nuward), được hỗ trợ bởi một số nhà sản xuất, bao gồm EDF.

Hiện tại, Nga và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu cuộc đua, trong đó Nga là quốc gia duy nhất có SMR đang hoạt động và Trung Quốc là quốc gia tuyên bố sẽ là nước đầu tiên cung cấp giải pháp thương mại cho loại hình lò mini dạng này. Mỹ tuy đi sau nhưng cũng quyết tâm tăng tốc để bắt kịp các nước kia. Kể từ năm 2012, Bộ Năng lượng Mỹ đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào các chương trình SMR khác nhau và có kế hoạch tăng gấp đôi kinh phí tài trợ trong những năm tới.

Đối với người Mỹ, mục tiêu vừa là đáp ứng sự đổi mới của đội ngũ hiện có (lớn nhất thế giới), nhưng trên hết là đưa “quân cờ” của họ trở lại bàn cờ hạt nhân địa chính trị. Việc chào hàng sản phẩm cũng giúp mở ra thị trường mới cho nước Mỹ. Các quốc gia, thành phố nhỏ hoặc các khu công nghiệp lớn, cho đến nay vẫn chưa đủ mạnh để có các nhà máy điện lớn, sắp tới có thể sẽ trở thành khách hàng của nước này. Hiện đã có nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm của họ, như Sri Lanka, Kenya, Uganda và Jordan.

* Sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp và tỷ phú

Những người không ủng hộ điện hạt nhân không tin rằng lĩnh vực này đang hồi sinh. Họ xem đây chỉ là ảo tưởng cuối cùng trên giấy của một ngành công nghiệp thiếu ý tưởng. "Trong khi các công nghệ tái tạo đang phát triển với tốc độ tối đa, làm sao chúng ta có thể hy vọng bán lò phản ứng hạt nhân cho các quốc gia không có cơ quan an toàn cũng như cơ sở quản lý chất thải? Đây là điều thực sự vô nghĩa", một chuyên gia trong lĩnh vực này phát biểu.

Về phần mình, các nhà đầu tư tư nhân, những người tài trợ phần lớn cho các dự án này, lại dường như rất tin tưởng vào điện hạt nhân. Kể từ năm 2006, tỷ phú Bill Gates, người nổi tiếng nhất trong số họ, đã thông qua công ty khởi nghiệp TerraPower phát triển Natrium, một lò phản ứng nhỏ muối nóng chảy thế hệ thứ tư, có công suất 350 MW. 

Thiết kế này đáp ứng được cả yêu cầu kích thước nhỏ và hạn chế chất thải. Theo TerraPower, họ sẽ phát triển nguyên mẫu đầu tiên của mình tại bang Wyoming và hy vọng sẽ có mặt trên thị trường trong vòng 10 năm tới. Các chuyên gia cho rằng đây là động lực khá thú vị, bởi vì sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp và các tỷ phú trong ngành công nghiệp mang tính dài hạn này có thể giúp đẩy nhanh việc triển khai và thương mại hóa một số công nghệ nhất định mà không nhất thiết phải phát triển đổi mới.

Ngoài ra, các nhà công nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tất cả đều ghi nhớ ví dụ về cuộc chinh phục không gian vũ trụ, được thúc đẩy bởi sự nổi lên của các tỷ phú công nghệ như Elon Musk (SpaceX) hay Jeff Bezos (Blue Origin). 

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp hạt nhân cần nhiều người như ông Elon Musk để được tái sinh. Là người đam mê công nghệ, đây là điều mà dường như Tổng thống Pháp đang nghĩ đến và mới đây ông đã kêu gọi các doanh nhân trong nước thực hiện dự án SMR của Pháp trong tương lai./.

 

Tác giả bài viết: Nguồn:TTXVN
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không