Lễ khởi công Trung tâm nghiên cứu đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam – một trong những công trình tham gia Dự án EECB.
Tiếp cận công trình mới
Dự án EECB do Quỹ Môi trường toàn cầu GEF tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng, từ đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng. Dự án do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản.
Dự án được khởi động từ tháng 6/2016, dự kiến kết thúc vào tháng 4/2020, tới nay đã lựa chọn được 8 công trình tham gia dự án trình diễn, bao gồm 5 công trình xây mới và 3 công trình nâng cấp cải tạo tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đối với các công trình xây mới, nhóm tư vấn của dự án thực hiện tư vấn và hỗ trợ đội thiết kế của chủ đầu tư kiểm tra việc tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng năng lượng hiệu quả (QC 09:2013/BXD) và đưa ra khuyến nghị vượt các yêu cầu của quy chuẩn nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng của công trình.
Quá trình hỗ trợ tiếp diễn trong giai đoạn thi công và vận hành công trìnhđể đảm bảo những khuyến nghị từ giai đoạn thiết kế được tiếp thu trong giai đoạn tiếp theo và có kiểm chứng. Đến nay, dự án tập trung hỗ trợ việc thiết kế các công trình như tòa nhà văn phòng, trường học và chung cư cao tầng.
Để đạt được mục tiêu nói trên, nhóm tư vấn đánh giá mức độ tuân thủ Quy chuẩn của công trình và đưa ra khuyến nghị về các phương án thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nhóm tư vấn kỹ thuật khởi xướng việc sử dụng công cụ mới về quản lý thiết kế mới và các kỹ thuật như thiết kế năng lượng tích hợp (IED), mô hình hóa năng lượng.
Khái niệm về IED là cách mạng hóa khái niệm thiết kế xây dựng thông thường. IED lồng ghép cách tiếp cận trong đó tất cả các bên bao gồm kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ điện, chủ công trình…) tham gia ngay từ rất sớm để xác định các mục tiêu và phương pháp để đạt được hiệu quả cao.
Các bên được hình thành và tham gia càng sớm thì càng hiệu quả về kỹ thuật và chi phí vì việc thay đổi thiết kế ở giai đoạn sau rất phức tạp và tốn kém. Sự tham gia sớm của tất cả các bên cùng với cam kết mạnh mẽ của chủ đầu tư đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình.
Để đưa ra được các khuyến nghị tối ưu, nhóm tư vấn dự án phân tích các điều kiện của chủ đầu tư (yêu cầu, mong muốn, tài chính…), sử dụng phần mềm mô hình hóa năng lượng, hiệu quả che nắng, chiếu sáng tự nhiên... để định lượng, tác động tương ứng và hiệu quả chi phí của các giải pháp thiết kế được đề xuất.
Những công cụ này cùng với các phân tích tài chính sẽ giúp đưa ra quyết định về các giải pháp hiệu quả và phù hợp nhất. Trên thực tế, mức độ tiết kiệm năng lượng có thể đạt được là từ 25% - 45%.
Cũng nên lưu ý là việc tận dụng tối đa các khía cạnh thụ động (như: hướng công trình, hiệu quả che nắng, tối ưu hóa hệ số cửa sổ và tường, thông gió và chiếu sáng tự nhiên, hiệu quả của các vật liệu xây dựng) giúp tiết kiệm nhiều năng lượng mà không tốn kém nhiều chi phí.
Hỗ trợ kỹ thuật sẽ tiếp tục để giúp hoàn thiện thiết kế chưa hoàn thành, theo dõi và hỗ trợ trong giai đoạn thi công xây dựng để đảm bảo các yêu cầu thiết kế được tuân thủ. Cuối cùng, việc theo dõi mức tiêu thụ năng lượng sẽ được thực hiện để tạo mối tương quan giữa yêu cầu thiết kế với hiệu quả thực tế của công trình.
Tiếp cận công trình cải tạo
Đối với công trình cải tạo, phương pháp tiếp cận là thực hiện kiểm toán năng lượng để xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ hệ thống năng lượng đang vận hành. Sau đó, nhóm tư vấn của dự án đề xuất kiến nghị thay thế hoặc nâng cấp các thiết bị để đạt được mức tiết kiệm năng lượng tốt hơn. Các đề xuất kỹ thuật được hỗ trợ bởi các phân tích tài chính để xếp hạng sự phù hợp của từng đề xuất ở cả khía cạnh kỹ thuật và tài chính.
Nhóm kỹ thuật cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các công trình trong giai đoạn xây dựng và vận hành. Cuối cùng, tương tự như đối với công trình xây mới, nhóm tiến hành theo dõi tiêu thụ năng lượng sau khi cải tạo công trình để đánh giá, đối chứng mức tiết kiệm năng lượng thực tế.
Trong khuôn khổ dự án, chủ đầu tư nhận được hỗ trợ kỹ thuật trong giai đoạn thiết kế dự án mới hoặc kiểm toán năng lượng không mất chi phí đối với các dự án cải tạo. Nhóm tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế công trình được đào tạo nâng cao năng lực kiểm tra hợp chuẩn và các yêu cầu Quy chuẩn 09:2013/BXD, chiến lược thiết kế, phân tích chi phí giải pháp thiết kế.
Đối với hầu hết các công trình đã tham gia dự án, mức tiết giảm năng lượng theo tính toán lên đến 30% - 45%, gián tiếp gia tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư, tăng giá trị và tính hấp dẫn của tài sản từ khía cạnh tiếp thị/bán hàng.
Bên cạnh đó, các công trình còn được hỗ trợ miễn phí các trang thiết bị giám sát và đo lường năng lượng tiêu thụ. Các cán bộ phụ trách vận hành thiết bị được đào tạo tăng cường năng lực liên quan.
Ban Quản lý dự án cũng tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng trong công trình, là cơ hội cho các chủ công trình gặp gỡ, trao đổi và kết nối với các đối tác trong và ngoài nước.
Các công trình tham gia dự án có tiềm năng trở thành những điển hình về công trình hiệu quả năng lượng trên phạm vi toàn quốc.