Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ tham dự sự kiện gồm có Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị - Thomas Shannon; Quyền Giám đốc Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) - Thomas Hardy; Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổng công ty Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) - Ray Washburne; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Daniel Kritenbrink; Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - Mary Tarnowka và Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene.
Tại sự kiện, lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu bao như ABB, Nike và Citibank đã khẳng định nhu cầu cấp thiết phải mở rộng và đơn giản hóa việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và cam kết hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam và USAID để hoàn thành mục tiêu này. Cùng với các đối tác trong chuỗi cung ứng của họ, các công ty này tuyển dụng hàng trăm nghìn công nhân và đóng góp hàng tỷ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Các công ty đầu tư và xây dựng năng lượng sạch có kinh nghiệm như Dragon Capital cũng cam kết hỗ trợ thiết lập cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) đẳng cấp thế giới.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương và các lãnh đạo cấp cao của Bộ Công Thương nhiệt liệt hoan nghênh sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam mong muốn tăng sản lượng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên 1.650 megawatt (MW) vào năm 2020 và 18.000 MW vào năm 2030. USAID và Bộ Công Thương Việt Nam đang hợp tác xây dựng cơ chế hỗ trợ khách hàng mua điện trong khu vực tư nhân và các nhà cung cấp năng lượng tái tạo ký kết các DPPA. Cơ chế DPPA sẽ cho phép các doanh nghiệp mua năng lượng tái tạo ở Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch đẳng cấp thế giới, thúc đẩy đầu tư, và góp phần phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
USAID tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong khu vực tư nhân để thiết kế, thử nghiệm và triển khai các giải pháp năng lượng sạch.