Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vấn đề phát triển bền vững của Việt Nam hiện đang được đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, do đó, Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn bền vững Việt Nam năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, mặc dù năm 2017 đánh dấu những thành tựu tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường hay biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng năm 2017 đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhưng hiện GDP đầu người của Việt Nam còn thấp, chỉ dừng ở mức 2.385 USD.
Bộ trưởng cho rằng, đến 2035, để đạt được mức thu nhập bình quân cao hơn, Việt Nam cần phát triển với tốc độ nhanh hơn trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, không chỉ đạt mục tiêu về phát triển kinh tế mà sự phát triển thịnh vượng cũng phải đi đôi với công bằng xã hội.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức, GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân…
Vì vậy nếu không tìm ra động lực phát triển mới Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế.
Để đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường và hòa nhập xã hội trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục đối mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, tận dung cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tập trung thực hiện một số các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển theo cơ chế thị trường. Chấm dứt việc xây dựng các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu dùng, làm hạn chế sự tham gia thị trường các thành phần kinh tế.
Thứ hai, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nguồn lực từ xã hội, dân cư và đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn lực nhà nước mang tính dẫn dắt, định hướng.
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng. Áp dụng thực tiễn quản trị tốt của quốc tế đối với doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hoá và bán hết phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường.
Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế hoá đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và sở hữu trí tuệ.
Xoá bỏ các rào cản, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn, đất đai, khoáng sản, cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
Thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất, nhất là đất đai, lao động và công nghệ. Nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp FDI.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút, nâng cao hiệu quả FDI, phục vụ tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, các công ty đa quốc gia lớn, gắn với yêu cầu chuyển giao và lan toả rộng rãi công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của tư nhân trong nước, nhất là trong phát triển ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo. Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế nghiên cứu và phát triển (R&D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư. Đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường công nghệ.
Ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy sản xuất thông minh (tập trung trong nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin) và xây dựng đô thị thông minh. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, cải tổ hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề.
Thứ tư, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị. Phát triển các cực tăng trưởng mới với việc xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển.
Xây dựng các quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, phù hợp với kinh tế thị trường; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng dẫm, manh mún, kém hiệu quả.
Tận dụng đô thị hóa để đẩy mạnh hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Định hình lại chính sách và đầu tư để phát huy mật độ kinh tế xung quanh các vùng đô thị lớn và các đô thị thứ cấp có tiềm năng; giảm phân biệt xã hội về tiếp cận dịch vụ giữa người nhập cư và cư dân đô thị.
Thứ năm, bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội. Thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công. Thực hiện cơ chế thị trường và đẩy mạnh xã hội hoá đối với cung cấp các dịch vụ công. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng và từ cấp kinh phí cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.
Đổi mới chính sách xã hội phù hợp với thay đổi cấu trúc dân số khi tỷ lệ người nghèo còn rất thấp, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và già hóa dân số. Đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu vì sự thịnh vượng chung.
Thứ sáu, phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Tăng cường khả năng chống chịu; huy động nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, kể cả từ các nhà tài trợ quốc tế.
Đảm bảo bền vững môi trường bao gồm bảo vệ chất lượng không khí, đất và nước; lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành và đầu tư hạ tầng; quan tâm đến các nguồn năng lượng sạch.
Hướng đến đầu tư “thông minh” (với sự tham gia của khu vực tư nhân) nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường.