Không sở hữu nguồn dầu, than hoặc khí đốt tự nhiên dồi dào, Nhật Bản buộc phải nhập khẩu hơn 90% năng lượng. Đây là nước nhập khẩu dầu mỏ và than lớn thứ 3 trên thế giới và đứng đầu về khí thiên nhiên hoá lỏng.
Các nguồn năng lượng chính tại Nhật Bản năm 2015 - Ảnh: CNN |
Sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011, chính phủ và các nhà khoa học Nhật Bản đã khẩn trương xúc tiến tìm kiếm một nguồn năng lượng mới.
Nguồn năng lượng dưới đáy đại dương
Là nguồn nhiên liệu có gốc carbon lớn nhất trái đất, khí Hydrat được cho là chứa nhiều năng lượng hơn tất cả các nhiên liệu hoá thạch khác trên thế giới như than đá hay dầu mỏ, nằm sâu trong lớp băng ván đá Bắc cực dày và dưới các tầng đại dương. Ngoài ra, khi cháy, loại khí này chỉ thải ra lượng cacbon bằng ½ so với xăng dầu.
Băng dễ cháy chứa khí metan - Ảnh: BBC |
Nhật Bản đang cố gắng khai thác sản xuất nguồn nhiên liệu này. Theo Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp, từ năm 2002-2017, chính phủ đã chi khoảng 1 tỷ USD cho công việc nghiên cứu và phát triển. Giáo sư địa chất Ryo Matsumoto tại Phòng thí nghiệm Hydrate Gas của Đại học Meiji, Tokyo cho biết: "Nhật Bản cần tìm kiếm một nguồn năng lượng bền vững độc lập để tăng cường an ninh năng lượng cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường."
Vì vậy, băng dễ cháy trở thành lựa chọn hàng đầu cho ngành công nghiệp Nhật Bản với trữ lượng 1,1 nghìn tỷ mét khối khí metan dưới lòng biến Thái Bình Dương
Cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ
Nhật Bản không phải quốc gia đầu tiên chiết xuất thành công nguồn nhiên liệu này. Năm 2007, sau khi thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên ngoài khơi, Trung Quốc từng công bố phát minh về băng dễ cháy nhưng chưa khai thác triệt để.
Mỹ cũng từng tìm thấy khí metan trong lớp băng tại dãy núi Alaska, nhưng với trữ lượng và giá thành dầu mỏ như hiện nay, quốc gia này chưa thực sự chú ý đến khí tự nhiên.
Bảng so sánh các nguồn nhiên liệu tại một số quốc gia - Ảnh: CNN |
Ngược lại, các nhà khoa học rất tin tưởng vào tiềm năng của băng dễ cháy. Ông Christopher Knittel, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Trường Quản lý Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts khẳng định: "Nếu khí tự nhiên có thể được chiết xuất từ hydrat khí, nó sẽ định hình lại thế giới năng lượng. Giá nhiên liệu trên toàn thế giới sẽ được gắn liền với giá chiết xuất Hydrat".
Tương lai
Sau hai lần thử nghiệm thành công trong năm nay, giáo sư Yamamoto cho biết chính phủ Nhật Bản hy vọng có thể nhanh chóng đưa loại nhiên liệu này vào sản xuất thương mại cuối năm 2020.
Ông Yamamoto cũng nói thêm rằng thời gian nghiên cứu có thể kéo dài hơn nữa bởi đây không chỉ là vấn đề về kinh tế hay năng lượng, khai thác khí Hydrat thành công còn có thể mang đến cho Nhật Bản nguồn lực lớn mạnh trong cả quốc phòng và an ninh, trở thành tương lai của quốc gia này.
Hiện nay, các nhà khoa học Nhật Bản đang tích cực nghiên cứu những cách khai thác khả thi và an toàn nhất, nhằm tránh mọi rủi ro và tác động xấu đến môi trường như sạt lở tầng lục địa, động đất hay rò rỉ khí trong quá trình vận chuyển.
Một vụ rò rỉ khí đốt trên tàu tại Mỹ năm 2011 - Ảnh: CNN |