Dự án xây dựng thành phố OAC (Na Uy)
Hiện nay, xu hướng chuyển đổi dần từ năng lượng sử dụng chất đốt, hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã và đang tiếp diễn. Con số các thành phố trên thế giới sử dụng năng lượng sạch đã tăng lên gấp đôi trong những năm gần đây.
Kế hoạch phát triển và xây dựng thành phố mới này dựa trên kế hoạch về quy hoạch tổng thể thành phố sân bay Oslo trên một khu vực rộng khoảng 370 ha, trong đó bao gồm cả sân bay Oslo, mà trong thời gian gần đây đã được Văn phòng Kiến trúc Bắc Âu triển khai. Mục đích chính của kế hoạch này nằm trong việc xây dựng thành phố sân bay năng lượng sạch đầu tiên trên thế giới. “Đây là cơ hội độc đáo để thiết kế một thành phố mới năng động ngay từ ban đầu”, Tomas Stokke, Giám đốc công ty kiến trúc Haptic (Na Uy) cho biết.
Theo thiết kế của 2 công ty kiến trúc Na Uy là Haptic và Nordic, toàn bộ OAC sẽ có diện tích xây dựng sàn lên tới gần 1 triệu m2, với dân cư khoảng 35.000 người và sẽ đạt số dân tới hơn 50.000 người vào năm 2050. Thành phố được ưu tiên phát triển dựa trên công nghệ hoàn toàn mới đảm bảo những đặc trưng của một đô thị bền vững. Một loạt các ứng dụng công nghệ xanh sẽ được triển khai tại OAC, trong đó có xe tự lái, đèn chiếu sáng tự động, hạn chế tối đa (dường như không có) các loại phương tiện giao thông có động cơ lưu hành trong thành phố. Thậm chí, ngay tại trung tâm OAC sẽ không cho phép xe có động cơ hoạt động, mà chỉ duy nhất xe điện được lưu hành.
Để có thể làm được điều đó, các kiến trúc sư của Haptic Nordic phải chọn các phương án xây dựng thật nhiều không gian đi bộ, công viên và cây xanh. Người dân cũng như du khách khi đã đến OAC sẽ có thêm những lựa chọn mỗi khi cần di chuyển. OAC được các chuyên gia đánh giá sẽ là thành phố có hệ thống giao thông thân thiện, trong đó có những tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Bên cạnh đó, OAC sẽ chỉ sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng hóa thạch sẽ không được sử dụng ở thành phố này.
Công nghệ giao thông xanh, sử dụng năng lượng sạch sẽ là những ưu tiên phát triển hàng đầu của OAC. Ngoài hệ thống đèn chiếu sáng thông minh, thì hệ thống xử lý rác thải tự động, thông minh cũng được các nhà thiết kế đưa ra nhằm đảm bảo môi trường trong sạch cho toàn thành phố. Nhưng chiến lược phát triển thành phố không dừng lại ở đó, các nhà phát triển OAC còn muốn xuất khẩu năng lượng dư thừa sang những nơi khác; trong khi nguồn năng lượng dư thừa còn lại vẫn được sử dụng để làm tan băng bám trên máy bay khi gặp thời tiết xấu, giúp cắt giảm sử dụng nhiên liệu ở sân bay.
Ý tưởng xây dựng thành phố sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch có vẻ như đến với OAC một cách ngẫu nhiên, nhưng nó rất hợp lý với sân bay Oslo cũng như Na Uy trong thời điểm hiện nay để tiến hành xây dựng một thành phố xanh bền vững. Theo kế hoạch ban đầu, số lượng nhân viên làm việc tại sân bay Oslo khoảng 22.000 người nhưng sẽ tăng lên khoảng hơn 40.000 người vào năm 2050. Nơi đây có thể sẽ là nơi sinh sống hoàn hảo cho các nhân viên làm việc tại sân bay cũng như gia đình của họ, trong đó phải kể đến cả các du khách khi quá cảnh qua đây.
“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của thành phố, vấn đề của chúng tôi chỉ là thời gian”, Thor Thoenenie, Giám đốc điều hành dự án OAC cho biết. Dự kiến, công việc xây dựng thành phố bắt đầu từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022. Hy vọng, với cam kết phát triển năng lượng sạch bền vững của Na Uy thì kế hoạch này sẽ sớm trở thành hiện thực. Ngoài ra, tuy không nằm chung trong khối Liên minh châu Âu (EU), nhưng kế hoạch phát triển xanh của Na Uy cũng đang đồng hành cùng các quốc gia thành viên của EU, bởi mới đây EU cũng vừa thông qua ngân sách khoảng 873 triệu euro đầu tư cho các dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch của “lục địa già” này.