Các chuyên gia của Underwriters Laboratories (UL) giới thiệu các tiêu chuẩn chiếu sáng |
Theo báo cáo của Dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung tại Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước đang phát triển tiêu thụ điện năng nhiều nhất, trong đó mức tiêu thụ điện năng cho nhu cầu chiếu sáng ước tính là 25,5%.
Trong khi vấn đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường hiện là vấn đề cấp bách của toàn thế giới khi đang ở trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng. Điện năng tiêu thụ chiếu sáng chiếm khoảng 20% tổng tiêu thụ điện. Do vậy giảm điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng sẽ đạt được hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
Tiến sĩ Trần Đình Bắc, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, ngành chiếu sáng Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Từ nay đến năm 2020 kiến sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 25%/ năm. Với ưu thế ưu điểm tiết kiệm điện năng, tuổi thọ cao, hiệu suất phát sáng cao, ít độc hại, dễ điều khiển, không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, kích thước nhỏ gọn có thể thay đổi nhiều nguồn sáng khác, công nghệ chiếu sáng LED đang trở thành xu hướng tất yếu. Thị trường chiếu sáng toàn cầu sẽ có sự dịch chuyển nhanh sang đèn LED, dự kiến sẽ chiếm lĩnh 100% thị trường vào năm 2020.
Theo Hội Chiếu sáng Việt Nam đến năm 2020 tại Việt Nam chỉ cần thay số lượng các đèn truyền thống bằng đèn Led thì sẽ tiết kiệm được hơn 40 triệu Kwh bằng 2 công suất của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Nếu đẩy nhanh việc sử dụng đèn LED và đèn tiết kiệm năng lượng thì sẽ giảm nguồn năng lượng sử dụng rất lớn, đồng thời giảm khả năng thải khí CO2 ra môi trường.
Thị trường đèn LED phát triển rất nhanh, và trong tương lai sử dụng đèn LED là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên hiện nay thị trường LED Việt Nam có 3 loại: Một là của các công ty nhập về đảm bảo chất lượng châu Âu, chất lượng tốt, chưa phù hợp với điều kiện môi trường, giá thành cao phục vụ cho các dự án lớn của quốc gia; Thứ hai là sản phẩm nhập từ Trung Quốc chiếm thị phần rất lớn, chất lượng không đảm bảo, không kiểm soát được chất lượng, có nhiều đơn vị tự mua linh kiện của Trung Quốc về lắp ráp; Cuối cùng là các DN Việt Nam sản xuất như Rạng Đông, Điện Quang... là những DN có đầu tư bài bản sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tuy nhiên các sản phẩm này cũng chưa thâm nhập được vào các thị trường thế giới.
Vì thế, để các DN sản xuất thiết bị chiếu sáng Việt Nam chiếm lĩnh thị phần trong nước và xuất khẩu cần định hướng phát triển và đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế công nghệ toàn cầu. Đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng với lĩnh vực thiết bị chiếu sáng, các DN muốn tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác nhau, như chuẩn CCC (Trung Quốc), chuẩn SASO (Ả Rập Saudi), chuẩn CE (Châu Âu), chuẩn CB (đa quốc gia). Mặc dù, đã nỗ lực để giành lại thị trường nhưng các DN sản xuất thiết bị chiếu sáng nhất là đèn LED còn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về thông tin, phát triển khoa học công nghệ, ban hành quy chuẩn sản phẩm để ngăn chặn hàng kém chất lượng...