Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như: Ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu. Trước thực tiễn này, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tăng cường kiểm toán môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.
Thực trạng kiểm toán môi trường ở Việt Nam giai đoạn 2008-2018
Môi trường và phát triển bền vững hiện không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, đang được hầu hết các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, mặc dù có phần đi sau so với thế giới nhưng đã được Chính phủ quan tâm sâu sắc. Hàng năm, ngân sách nhà nước và các nguồn lực lớn của nhân dân, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đầu tư cho việc bảo vệ môi trường. Dù vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường biến đổi khí hậu.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, kiểm toán môi trường là công cụ quản lý sắc bén, hiệu quả, giúp cho các doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ những vấn đề môi trường đang xảy ra là rất nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp ngăn ngừa và cải thiện môi trường một cách hiệu quả. Theo các chuyên gia môi trường, kiểm toán tác động môi trường là việc kiểm tra có hệ thống các tác động môi trường thực tế của một DN đang hoạt động, dựa trên cơ sở các số liệu quan trắc môi trường, nhằm mục đích giảm thiểu các rủi ro về môi trường.
Qua kiểm toán, đơn vị được kiểm toán sẽ hiểu rõ hơn về mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị, xác định được những tồn tại cụ thể trong việc thiết kế và vận hành các hệ thống quản lý môi trường của đơn vị, nhất là đối với đơn vị đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000.
Từ năm 2008, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã quyết định thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường, đưa nội dung về kiểm toán môi trường vào kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2022. Cho đến nay, KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường như: Kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường TP. Hội An; các vấn đề về nước sông Mê Kông... Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, KTNN thực hiện trung bình mỗi năm 5 cuộc kiểm toán về môi trường, với chủ đề đa dạng từ quản lý rừng, đất đai, nước sạch đến quản lý chất thải, khai thác khoáng sản và gần đây nhất là chuyển hóa Carbon thấp. Đây là một bước tiến quan trọng trong hoạt động của KTNN với cách tiếp cận phát triển các loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.
Sau khi trở thành thành viên Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) từ năm 2008, KTNN đã nghiên cứu, thiết lập bộ máy và triển khai thí điểm các cuộc kiểm toán về môi trường. Đây là các cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý môi trường đối với các khu công nghiệp của địa phương và việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi nilon thông thường tại TP. Hồ Chí Minh…
Qua kiểm toán, bước đầu phát hiện và kiến nghị một số bất cập trong quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro tác động xấu tới môi trường. Ngoài ra, việc đánh giá tác động môi trường trong hoạt động kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính của KTNN đã, đang được thực hiện trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là các cuộc kiểm toán chuyên đề liên quan đến quản lý sử dụng tài nguyên và môi trường như: Kiểm toán Chương trình Môi trường quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Kiểm toán Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm toán Dự án chuyển hóa Carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam…
Thông qua việc đánh giá tác động môi trường trong kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính đã góp phần hỗ trợ kiểm toán viên đạt được các mục tiêu kiểm toán đề ra, mặt khác cũng là cơ sở để kiểm toán viên đưa ra các kết luận, kiến nghị và giải pháp về các vấn đề môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung, đồng thời, là cơ sở để KTNN tiếp tục nghiên cứu vận dụng mở rộng, lồng ghép đánh giá tác động môi trường trong các cuộc kiểm toán thời gian tới. KTNN hiện cũng đang xây dựng quy trình hướng dẫn kiểm toán môi trường và tiến tới thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, các khu kinh tế, công nghiệp…
Kiểm toán môi trường không chỉ là một lĩnh vực mới mà còn là lĩnh vực có liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Với nhận thức trên, KTNN đã triển khai nhiều giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung, trong đó phải kể đến các nỗ lực về tổ chức kiểm toán phối hợp với các nước Lào, Campuchia đối với cuộc kiểm toán các vấn đề nước sông Mê Kông…
Đặc biệt, chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững" đã trở thành một trong những nội dung nghị sự quan trọng tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 diễn ra từ ngày 19 - 22/9/2018. Đây là chủ đề đã được Việt Nam đề xuất trước đó và nhận được sự đồng thuận cao của các nước. Với Việt Nam, trong quá trình thu hút đầu tư, nếu không quan tâm đặc biệt tới môi trường, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn trong tương lai. Quá trình phát triển bền vững đứng trước thách thức lớn bởi yếu tố môi trường, đặc biệt khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án đầu tư.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề lo ngại ở nước ta, chẳng hạn như việc có đến hơn 5.700 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển, trong đó tập trung nhiều nhất ở các cảng của TP. Hồ Chí Minh. Tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng là 4.480 container, trong đó, tại Cảng Cát Lái là 3.464 container. Thực trạng này đang đẩy Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới. Như vậy, dù Việt Nam thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, song nếu không có biện pháp ngăn chặn thì những công nghệ lạc hậu, phế thải có nguy cơ bị nhập khẩu vào trong nước và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Trước lo ngại đó, ngành Kiểm toán đẩy mạnh các nội dung kiểm toán về môi trường, trong đó có nhập khẩu phế liệu. Ngoài kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, một loạt cuộc kiểm toán liên quan tới môi trường đang được KTNN chú trọng như: Kiểm toán về quản lý sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải ở TP. Hà Nội giai đoạn 2014-2018; Kiểm toán việc cấp phép quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2013-2018 tại Nghệ An; Kiểm toán quản lý xử lý chất thải đô thị ở TP. Hà Nội...
Thách thức và kiến nghị
Theo đánh giá của KTNN, trong những năm gần đây, công tác kiểm toán môi trường đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các cuộc kiểm toán môi trường vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và chưa có cuộc kiểm toán môi trường theo đúng nghĩa; chưa có một tổ chức bộ máy cơ sở pháp lý, quy trình, hướng dẫn đầy đủ cho hoạt động kiểm toán môi trường. Trong khi, nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống con người làm hủy hoại đến môi trường, ô nhiễm ngày càng trở nên bức xúc trong cộng đồng, xã hội.
Hiện nay, trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN cũng đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường hoạt động kiểm toán môi trường. KTNN cũng xác định, trong thời gian tới, những thách thức về môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đặt ra nhiệm vụ kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn. Do vậy, nhằm khắc phục những hạn chế và tiếp tục triển khai tốt hoạt động kiểm toán môi trường trong thời gian tới, cần lưu ý các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường nhận thức và ý thức của các cơ quan, đơn vị và xã hội về kiểm toán môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước và công chúng.
Hai là, tập trung xây dựng và tăng cường năng lực kiểm toán môi trường; Phát triển đội ngũ cán bộ kiểm toán viên kiểm toán môi trường đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngành hợp lý. Trong đó, chú trọng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên kiểm toán môi trường thông qua các hình thức mời chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm; Cử cán bộ tham gia các khóa học tại nước ngoài, tìm kiếm các dự án tài trợ cho phát triển kiểm toán môi trường. Cùng với đó, phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và phát triển khoa học - công nghệ thông tin phục vụ cho nội dung kiểm toán môi trường.
Ba là, đề xuất, xây dựng các văn bản pháp lý quy định rõ chức năng kiểm toán môi trường của KTNN; Xây dựng và phát triển các hướng dẫn, phương pháp kiểm toán môi trường theo hướng tuân thủ Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Đẩy mạnh xây dựng quy trình và phương pháp cho kiểm toán hoạt động, trong đó có kiểm toán môi trường, xây dựng Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở luật pháp của Việt Nam nhưng có tham khảo các chuẩn mực, hướng dẫn, cẩm nang của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), trong đó chú trọng việc đồng hóa những chuẩn mực của INTOSAI. Các đơn vị trực thuộc KTNN cũng cần hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai kiểm toán môi trường...
Bốn là, đẩy mạnh và triển khai các cuộc kiểm toán môi trường trên cả nước, trong các lĩnh vực, đặc biệt tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và đánh giá chất lượng các nội dung về kiểm toán môi trường nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của kiểm toán môi trường.
Năm là, tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán môi trường, đồng thời thể hiện nỗ lực và đóng góp thiết thực của KTNN Việt Nam đối với công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng. Chẳng hạn, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điển hình như Malaysia. Từ năm 2008, KTNN Malaysia đã thành lập Phòng Kiểm toán Môi trường. Trong 10 năm qua, KTNN Malaysia đã thực hiện hơn 50 cuộc kiểm toán về các vấn đề môi trường ở cấp liên bang và tiểu bang. Các đợt kiểm toán môi trường được thực hiện theo các tiêu chuẩn kiểm toán môi trường quốc tế, hướng dẫn kiểm toán môi trường, hướng dẫn của nhóm công tác của INTOSAI về kiểm toán môi trường và hướng dẫn kiểm toán của KTNN Malaysia. KTNN Malaysia đã sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý để lấy mẫu và phân tích trong kiểm toán môi trường. Cần chú trọng các chủ đề kiểm toán môi trường như: Quản lý môi trường nội bộ của các bộ, ngành, các cơ quan quản lý chất thải, quản lý rừng, ngư nghiệp, quản lý tác động môi trường, ô nhiễm, công nghệ xanh...
Tài liệu tham khảo:
Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?
Có
Không